Tiếng Việt English
Hotline

1800 088856

Email

info@dhslogistics.vn

01/10/2021 - 2:58 PMDHS Logistics 512 Lượt xem

Nguy cơ mất trắng nếu đối tác có ý đồ xấu

Công ty Global Retail.,JSC xuất khẩu 2 container nước tăng lực nhãn hiệu BUFFALO JUNGLE sang Benin. Tuy nhiên, khi hàng đến cảng COTONOU của Benin, người mua hàng (đây là một trader trung gian tại các tiểu Vương quốc Ả Rập – UAE) không nhận hàng và không thanh toán số tiền còn lại nên lô hàng phải nằm ngoài cảng.

Qua tìm hiểu, Thương vụ Đại sứ quán Việt Nam tại Ma-rốc cho hay, Công ty phía Benin mà doanh nghiệp Việt Nam giao dịch là Công ty Hi-Profile International General Trading Co có trụ sở tại Dubai do ông Khalifa trực tiếp thực hiện giao dịch nhập khẩu nhưng có biểu hiện không uy tín và có thái độ trốn tránh trách nhiệm thanh toán theo hợp đồng đã ký kết.

Để giải quyết, phía Công ty Global Retail.,JSC đã chủ động tìm một đối tác khác để bán lỗ lô hàng này. Nhưng khi đối tác mới đã chốt mua thì người mua cũ bỗng dưng xuất hiện, đòi hàng và làm tờ khai hải quan tại Benin. Tuy nhiên, cho đến nay, người mua cũ chưa thể lấy hàng do bill tàu vẫn do Công ty Global Retail.,JSC nắm giữ.


Đây là một dạng gây tranh chấp thương mại cố ý nếu 2 bên mua và bán không tuân thủ pháp luật về luật hàng hải, kinh doanh quốc tế. Điều này sẽ dẫn đến hậu quả như: người xuất khẩu (phía Việt Nam) có nguy cơ bị mất hàng nếu người mua tự ý làm thủ tục hải quan và cấu kết với hãng tàu, hải quan bản địa để lấy hàng ra mà không cần chứng từ gốc.

Đây cũng sẽ là cản trở lớn khi các công ty thực hiện nghiệp vụ giao thương quốc tế. Hiện nay, 2 container hàng nước tăng lực của Global Retail.,JSC vẫn đang nằm tại cảng COTONOU. Mỗi ngày, doanh nghiệp phải đóng 500 USD phí bến bãi.

Đại diện lãnh đạo Global Retail.,JSC cho hay, trước đó công ty cũng tiếp nhận rất nhiều thông tin về việc hàng chục doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu hàng hóa sang khối thị trường châu Phi (Benin, Togo, Nigeria, Ghana, Maroc, Serria Leone, Gambia, Gabon,… ) bị lừa đảo, chiếm đoạt tiền và hàng,… cũng như những bất cập về hệ thống khai báo hải quan theo luật lệ bản địa.

“Bản thân Global Retail cũng gặp tình huống tương tự vài lần, có lần giải quyết được, có lần bế tắc. Vụ việc lần này là bài học kinh nghiệm cho những doanh nghiệp khác. Chúng tôi cũng kêu gọi các Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Bộ Công Thương hay Trung tâm Trọng tài Quốc tế,… tham gia bảo vệ doanh nghiệp trong nước”, vị này kiến nghị.

Ngay khi nhận được đề nghị hỗ trợ, Thương vụ đã giữ trao đổi thường xuyên với đại diện doanh nghiệp xuất khẩu và triển khai tất cả các biện pháp cần thiết bao gồm liên hệ với các cơ quan chức năng tại Benin như Bộ Công Thương, Phòng Thương mại và Công nghiệp và liên hệ phối hợp với Thương vụ Việt Nam tại Dubai, nhất là Cảng vụ, Hải quan Cảng COTONOU,…

Đồng thời, Thương vụ cũng giới thiệu đối tác giao nhận có uy tín tại Cảng COTONOU hỗ trợ Global Retail.,JSC về thủ tục nhằm đổi tên vận đơn gốc với mục đích bán cho khách hàng khác. Tuy nhiên, quy định sở tại để làm thủ tục quay hàng về Việt Nam hoặc bán cho bên thứ 3 cần có ý kiến của bên nhập khẩu, gây khó khăn cho quá trình xử lý vụ việc.

Đại diện Thương vụ cũng trực tiếp thuyết phục, gây sức ép nhưng các đối tượng không hợp tác. Trong trao đổi giữa hai bên doanh nghiệp, Global Retail.,JSC thiện chí đề xuất không thu tiền 1 container hàng nhưng đối tượng vẫn không chấp nhận.

Đừng để các doanh nghiệp “đơn thương độc mã”

Thực tế, không phải bất kỳ quốc gia châu Phi nào cũng có đại diện Thương vụ Việt Nam. Ở nhiều quốc gia, có khi một văn phòng Thương vụ phải kiêm nhiệm 2-3 thậm chí 5 quốc gia lân cận khác, nên không thể làm việc trực tiếp với cơ quan thương mại nước sở tại. Theo các doanh nghiệp xuất khẩu, điều này gây bất lợi cho các doanh nghiệp Việt khi cần tiếng nói hỗ trợ. Vì thế, nếu thị trường nào không có Thương vụ Việt Nam thì khi gặp rắc rối, họ phải “đơn thương độc mã” đấu tranh đòi quyền lợi.

Xét thấy đây là trường hợp nghiêm trọng, để tránh rủi ro cho các doanh nghiệp khác, Thương vụ Đại sứ quán Việt Nam tại Ma-rốc, kiêm nhiệm Benin khuyến cáo các hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam, nhất là ngành hàng đồ uống và các doanh nghiệp xuất khẩu đồ uống biết và không giao dịch với đối tác Benin tại Dubai được nêu trên nhằm tránh thiệt hại cho doanh nghiệp.

Global Retail.,JSC đã đề nghị VCCI đứng ra bảo vệ doanh nghiệp Việt Nam tại nước ngoài. Cụ thể, VCCI phối hợp cùng Thương vụ Việt Nam tại Benin xác thực invoice, packing list và bill of lading, đồng thời phối hợp với Phòng Thương mại Công nghiệp Benin đẩy nhanh giải quyết vụ việc. Doanh nghiệp cũng mong muốn VCCI cùng đồng hành để đưa ra các giải pháp nhằm giảm thiểu hậu quả do gặp rủi ro liên quan đến vấn đề quốc tế.

Thị trường châu Phi

Châu Phi là một thị trường xuất khẩu tiềm năng nên doanh nghiệp của nhiều quốc gia muốn hướng đến. Tuy nhiên, khi xuất khẩu đi châu Phi, tốt nhất là doanh nghiệp nên gặp trực tiếp đối tác để tìm hiểu cụ thể.

Trong việc tìm kiếm khách hàng, lợi dụng đặc điểm châu Phi khó giao thương do nghèo đói và lạc hậu nên một số nhà môi giới tìm đến người mua và người bán để chắp nối giao thương. Cách làm này tất nhiên có lợi nếu nhà môi giới nghiêm túc, nhưng cũng bất lợi nếu họ cố ý lấy tiền của cả bên bán và bên mua hàng. Vụ việc của Global Retail.,JSC là một ví dụ điển hình.

Để phòng ngừa rủi ro, các doanh nghiệp Việt cần có thông tin người mua như đăng ký kinh doanh, số hộ chiếu, thẻ định cư, hình ảnh người mua hàng. Ngoài ra, khai thác càng nhiều thông tin cá nhân càng tốt để phòng ngừa dùng sau này cho việc khai báo hải quan, công an hay cơ quan quốc tế,…

Về vấn đề thanh toán quốc tế, nên đàm phán có lợi nhất cho bên bán như yêu cầu cọc 50/50 hay mở L/C,… Nếu không đàm phán được thì giao hàng CIF và bill tàu luôn để tên công ty xuất khẩu, vì nhiều nước mở tờ khai nhập khẩu cả khi không có bill tàu gốc. Đây là điều bất lợi cho các doanh nghiệp Việt.

Nếu cảm thấy rủi ro, phải ngay lập tức ngừng các việc đi hàng, cố liên hệ hãng tàu giữ hàng, liên hệ thương vụ Việt Nam tại thị trường đó, nơi quản lý doanh nghiệp hoặc cơ quan di trú để báo cáo về việc cá nhân này hay cá nhân kia có hành vi lừa đảo.

giao thương châu Phi

Đồng thời, nhờ thương vụ kết hợp quốc gia bản địa cảnh báo xuất cảnh, nhập cảnh hoặc công bố doanh nghiệp lừa đảo với thông số hộ chiếu để các doanh nghiệp khác ngừng giao thương, bán hàng, gây áp lực cho bên mua hàng để họ phải thanh toán chứ không thể tiếp tục đi lừa đảo các doanh nghiệp khác tại Việt Nam hoặc nước khác.

Ngoài ra, để bảo vệ doanh nghiệp Việt khi giao thương ở nước ngoài, không chỉ là việc cảnh giác, tìm hiểu kỹ càng hay nỗ lực đấu tranh khi gặp rủi ro mà các cơ quan nhà nước, tổ chức của Việt Nam như VCCI, Bộ Công Thương, các thương vụ, Bộ Công An,… cũng nên có các hoạt động đối ngoại để hỗ trợ, tránh để doanh nghiệp phải “tự bơi”.

Theo Vietnamnet

Đăng ký tư vấn miến phí
Gửi ngay
Tin liên quan


Tag:
  • ,

  • Bình luận:

    Dịch Vụ Hải Quan Trọn Gói, Uy Tín Dịch Vụ Hải Quan Trọn Gói, Uy Tín
    Dịch vụ hải quan là các công việc mà công ty dịch vụ thực hiện để thông quan hàng hóa cho một lô hàng. Dịch vụ hải quan luôn cần yêu cầu nhanh và chuẩn xác...
    Dịch vụ xuất nhập khẩu tại Bắc Ninh trọn gói từ A-Z Dịch vụ xuất nhập khẩu tại Bắc Ninh trọn gói từ A-Z
    Dịch vụ xuất nhập khẩu tại Bắc Ninh là thế mạnh của DHS Logistics. DHS Logistics tự tin đem lại cho quý khách những trải nghiệm tuyệt vời nhất về dịch vụ hải...
    © Bản quyền thuộc về DHS Logistics. Thiết kế bởi hpsoft.vn
    Gọi ngay: 1800 088856
    messenger icon zalo icon